Thần Lương Hằng Ngày

Tuần XXV Thường Niên

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Sau một loạt bài Phúc Âm, từ Chúa Nhật tuần XXI đến hết Tuần XXIV, liên quan đến các tông đồ, đến quyền bính của các vị,

đến một loạt 3 bài Phúc Âm về vườn nho, (Chúa Nhật XXV đến hết Chúa Nhật XXVII Thường niên).

Hai bài Phúc Âm về dụ ngôn vườn nho cho Chúa Nhật XXVI và XXVII Chúa nói với thành phần tư tế và kỳ lão của dân Do Thái;

bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Chúa Giêsu nói dụ ngôn về vườn nho với thành phần môn đệ của Chúa.

Dụ ngôn về vườn nho trong bài Phúc Âm được Giáo Hội soạn chọn cho Chúa Nhật XXV TN A này 

về việc thuê thợ làm vườn nho vào 5 thời điểm khác nhau trong ngày, liên quan nhất là đến nhóm thợ đầu tiên và sau cùng.

Không phải chỉ có các dụ ngôn, như dụ ngôn con chiên lạc, đứa con phung phá, người Samaritanô nhân lành v.v. mới về LTXC,

mà còn cả dụ ngôn thuê thợ làm vườn nho ở Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm A cũng về LTXC nữa,

một LTXC vượt trên tư tưởng và đường lối của loài người (Bài Đọc 1),

một LTXC cần phải được con người nhận biết, tôn vinh và chúc tụng (Đáp Ca),

một LTXC được tỏ hiện nơi những tâm hồn "sống xứng đáng với Tin mừng của Đức Kitô" như Thánh Phaolô (Bài Đọc 2).

Với tâm tình của bài Đáp Ca: "Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời",

chúng ta cùng nhau hoan hưởng toàn bộ PVLC cho Tuần XXV Thường Niên ở những đường links sau đây:


bé tĩnh

 


Suy nghiệm Lời Chúa 

Món hàng lao động được bày bán như bị ế ẩm... nhưng lại là món hàng đắt giá nhất 

Con người thường hay bị mắc kẹt giữa công bằng và lòng thương xót. Thậm chí họ cho rằng phải công bằng đã rồi mới thương xót sau. Nên theo họ, nếu bất chấp công bằng thì chẳng bao giờ thật sự thương xót. Thương xót mà không công bằng là nhu nhược và dung túng sự dữ. Và chính vì thế họ thường lấy chính chân lý, công lý và luật lệ là những gì giúp giải phóng và thăng hóa con người để tiêu diệt chính con người, để ném đá những nạn nhân vấp phạm. 

Đúng thế, về chính tội lỗi, tự bản chất là sự dữ, thì không một ai được yêu thích và để cho nó lộng hành và gây tác hại đến công ích và từng người trong xã hội. Thế nhưng, về con người tội nhân, họ cần được thương xót, vì là loài tạo vật vô cùng hèn hạ, khốn nạn và tội lỗi như bất cứ con người nào muốn ném đá họ.  

Cho dù bản thân chúng ta có chẳng may là nạn nhân của họ, bị họ xúc phạm tới, gây thiệt hại cho chúng ta về luân lý, tâm ý hay thể lý, chúng ta lại càng phải bù đắp lại tội phạm hay sự dữ của họ gây ra bằng sự lành nữa. Ở chỗ, chẳng những đừng tát lại họ theo luật công bằng mắt đền mắt răng đền răng, trái lại còn chìa cả má kia cho họ tát nữa (xem Luca 6:29) theo đường lối lấy sự lành át sự dữ như ánh sáng xua tan tăm tối. 

Đó là đường lối của Thiên Chúa, là tinh thần Phúc Âm, là những gì liên quan đến phúc đức trọn lành được Con Thiên Chúa làm người dạy cho chung con người và riêng Kitô hữu là thành phần môn đệ của Người ở Bài Giảng Trên Núi (Xem Mathêu đoạn 5 và Luca đoạn 6). Nhưng lại là những gì vượt lên trên bản tính yếu hèn, phản lại với bản năng tự vệ và bất khả với khuynh hướng công bằng trả thù rửa hận của con người. 

Bởi thế mà chẳng lạ gì, qua miệng Tiên Tri Isaia, ở Bài Đọc 1 hôm nay, Thiên Chúa đã phải công nhận rằng:  

"Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cũng vượt trên đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi thế ấy". 

Quả vậy, chính vị đại tông đồ Phaolô mà có lúc còn cảm thấy bối rối, không biết phải chọn lựa thế nào cho đẹp ý Chúa nhất, khôn ngoan nhất và có lợi nhất có cả bản thân mình lẫn tha nhân. Trong Thư gừi Giáo Đoàn Philiphê ở Bài Đọc 2 hôm nay, ngài đã tự thú thế này:  

"Nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em". 

Nếu phải chọn giữa xấu và tốt thì còn dễ phân biệt, hay chọn giữa công bằng và bất công cũng không khó cho lắm, còn chọn giữa hai sự lành thì hơi khó chọn sự trọn lành hơn, như trường hợp của Thánh Phaolô trong Bài Đọc 2 hôm nay. Còn trường hợp ở dụ ngôn được Chúa Giêsu nói đến trong Bài Phúc Âm hôm nay, liên quan đến việc trả lương cho nhân viên được thuê mướn sớm muộn làm vườn nho cho chủ vườn nho thì sao?  

Dường như sự kiện hay đường lối trả lương hơi khác thường, nếu không muốn nói là kỳ cục của chủ vườn nho này xẩy ra ở giữa vùng tranh tối tranh sáng. Cả hai bên chủ tớ đều có lý của mình về vấn đề số lương ấy. Ở chỗ, nhân viên căn cứ vào công bằng, còn chủ nhân nại vào quyền ban phát của mình.  

"Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: 'Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao'? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: 'Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?' Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?" 

Thế nhưng, nếu vẫn cứ xét theo lý, cuối cùng phần thắng đã về chủ và nhân viên đành phải biết thân biết phận mình trước việc làm vừa công minh của chủ, ở chỗ ông chủ đã mặc cả đàng hoàng với kẻ làm thuê và họ cũng đã hoàn toàn đồng ý với vị chủ, họ mới đi làm cho chủ; nhưng đồng thời ông chủ chẳng những công bằng mà còn nhân lành nữa, ở chỗ ông đã sử dụng quyền sở hữu của mình để rộng lượng ban phát cho những ai ông thấy xứng đáng, không chỉ căn cứ vào ở việc làm mà còn vào chính lòng của con người làm việc cho ông nữa.  

Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm nay quả thực đã nhìn thấu tận thâm tâm của những con người đến làm vườn nho vào giờ cuối cùng, chỉ có một giờ duy nhất và đã trả lương cho họ cũng một đồng, như ba nhóm thợ đến trước những nhân viên đã làm nhiều hơn họ trong ngày.  

Họ chẳng những xứng đáng được số lương đồng đều với các người thợ đến trước họ mà họ còn xứng đáng được hơn như vậy nữa, đến độ có thể nói, được chính tấm lòng vô cùng quảng đại của chủ.  

Không phải hay sao, thành phần thợ được gọi đến làm vườn nho cuối cùng trong ngày và ngắn nhất này: 1- Trước hết, họ không lười, vì cũng đã ra đứng đợi để được thuê ngay từ đầu ngày như thành phần thợ được thuê đầu tiên: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?"; 2- Sau nữa, họ đã tỏ ra nhẫn nại đợi chờ để được thuê mướn đi làm, chứ không chán nản bỏ về, cho dù món hàng lao động của họ được bày bán như bị ế ẩm "Vì không có ai thuê chúng tôi"; 3- Chưa hết, họ phải chịu đựng cái nhìn khinh bỉ của khách qua đường, cho họ là bất tài bất lực, vô dụng, chẳng ai thèm thuê, đồ bỏ "Vì không có ai thuê chúng tôi"; 4- Sau hết, khi được may mắn thuê mướn, họ không hề mặc cả gì, không đòi hỏi, đi làm liền, làm gì cũng được, hoàn toàn cho chủ, để chủ toàn quyền sai khiến chỉ bảo "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta". 

Chính vì thành phần thợ làm vườn nho vào giờ cuối cùng và ngắn ngủi này quả thực đã biết thân phận tôi tớ của mình trước nhan Thiên Chúa (xem Luca 1:38) và trước Lòng Thương Xót Chúa (xem Luca 1:48), mà họ mới có thể vang lên tâm tình của Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay: "Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người".  

1) Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. 

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.